Xử lý tình trạng tranh mua nguyên liệu mía ở Tuyên Quang

Đã bước vào vụ ép mía 2020 - 2021, nhưng thời gian gần đây, tại một số xã của tỉnh Tuyên Quang, người trồng mía thu hoạch diện tích mía đã hợp đồng liên kết với nhà máy để bán cho thương lái. Tình trạng này khiến công ty thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (Công ty mía đường), thời gian qua, đã có ít nhất 52 ha mía nguyên liệu (diện tích công ty đã ký liên kết với người dân) bị người dân đốn chặt để bán cho tiểu thương. Trong số đó, nhiều nhất là huyện Chiêm Hóa với khoảng 40 ha, tương đương 2.000 tấn mía cây.

64645431pm_1_1

Xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa là một trong những nơi cung cấp mía của huyện. Khi ngành công nghiệp mía đường chưa về tới xã thì người dân ở đây đã phát triển cây mía để nấu đường, mật. Cây mía và đường phên đã giúp nhiều gia đình không chỉ đủ ăn mà còn khá giả. Hơn 10 năm gần đây, người dân Vinh Quang đã ký liên kết với Công ty mía đường trồng mía nguyên liệu. Đất bãi nhiều phù sa cộng với kinh nghiệm truyền thống cho nên cây mía ở đây luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Thời kỳ cao nhất toàn xã có tới hơn 300 ha mía. Bình quân mỗi ha cho thu hoạch tới 90 tấn mía cây, cá biệt có những diện tích năng suất đạt tới 120 tấn/ha. Tuy nhiên, vài năm gần đây, do ảnh hưởng của ngành mía đường, việc thu mua chậm làm lỡ thời vụ, giá mua thấp cho nên người dân không còn “mặn mà” với cây mía. Vụ mía năm nay, toàn xã chỉ còn khoảng 100 ha. Bước vào mùa thu hoạch, nhiều hộ gia đình đã chặt mía nằm trong diện tích liên kết với Công ty mía đường để bán hoặc liên kết với nhau nấu đường phên, mật. Một số gia đình trồng mía ở đây cho biết, mỗi tấn mía cây nấu được 1,1 – 1,2 tạ đường phên, giá hiện nay được khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, cao hơn bán mía cây cho nhà máy; bên cạnh đó, do cơ chế mua của nhà máy thường chậm, mía thu hoạch hai – ba ngày mới thu mua cho nên mía bị hao, hơn nữa thanh toán cũng chậm.

Phát triển cây mía nguyên liệu gắn với chế biến đường đã nhiều năm góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang. Gần đây, giá bán đường thấp, sản lượng đường tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, cây mía cho thu nhập thấp hơn so với một số cây trồng khác… cho nên người dân chuyển diện tích trồng mía sang các cây trồng khác, dẫn tới diện tích mía nguyên liệu của tỉnh chỉ còn gần 3.000 ha, giảm từ 5.000 đến 7.000 ha. Nguyên nhân là do việc phát triển vùng nguyên liệu mía ở Tuyên Quang mới tập trung phát triển về diện mà chưa chú trọng tới chất cho nên áp dụng khoa học – kỹ thuật để thâm canh còn chậm; giá thu mua mía thấp; 80% diện tích trồng mía nguyên liệu là đồi đất dốc gây khó khăn cho cơ giới hóa các khâu: thu hoạch, vận chuyển… Một nguyên nhân nữa là do cơ cấu giống mía chưa phù hợp khả năng ép và kế hoạch ép của nhà máy cho nên khi vào mùa thu hoạch thì bị ứ đọng, thu mua chậm dẫn đến chất lượng đường của mía nguyên liệu giảm, mía bị hư hao gây thiệt hại cho người nông dân. Để ổn định vùng mía nguyên liệu, từ năm 2019, tỉnh Tuyên Quang đã có chính sách tăng mức vay vốn cho người trồng mía. Theo đó, người dân sẽ được vay 40 triệu đồng/ha hỗ trợ lãi suất 100% để trồng mới hoặc trồng lại mía. Tuy nhiên, do giá thu mua thấp cho nên người dân vẫn còn “dửng dưng” với cây mía nguyên liệu.

Để bảo đảm nguyên liệu phục vụ cho vụ ép 2020 – 2021 của doanh nghiệp sản xuất mía đường trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, chỉ đạo và giao trách nhiệm cho UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trong vùng quy hoạch nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sản xuất, kinh doanh mía đường) thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng đầu tư cung ứng nguyên liệu đã ký, không tự ý bán mía nguyên liệu đã được đầu tư cho các đối tượng khác. Đồng thời, phối hợp Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu đã được công ty đầu tư và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cố tình tranh mua, tranh bán nguyên liệu mía đã ký hợp đồng đầu tư với các hộ dân. Kiểm tra, yêu cầu các lò mật thủ công trên địa bàn cam kết không tranh mua nguyên liệu mía trong vùng quy hoạch nguyên liệu của công ty, xử nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, thực hiện đúng các cam kết với các hộ trồng mía theo hợp đồng đã ký; có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát chủ các phương tiện vận chuyển mía nguyên liệu cho công ty; chủ động bố trí cán bộ, phối hợp chính quyền địa phương trong vùng quy hoạch nguyên liệu mía kiểm tra, giám sát các hộ gia đình thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi theo đúng hợp đồng đầu tư cung ứng nguyên liệu đã ký để thu hút được cao nhất nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhà máy chế biến…

*Theo Nhân Dân

Chia sẻ & Bình luận

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email