Bi hài học online
Không còn sự bỡ ngỡ về dạy học trực tuyến như đợt Covid-19 năm trước, gần một tháng qua, ngay khi bùng dịch, các địa phương đã kích hoạt việc dạy, học trực tuyến. Tuy nhiên, thầy cô, phụ huynh và học sinh đều cho rằng, học trực tuyến hiệu quả chỉ thực sự tốt với con số khoảng 20% học sinh tự học và học nghiêm túc. Với học sinh tiểu học thì vô cùng khó khăn, đặc biệt học sinh lớp 1, 2 thì phụ huynh phải sắp xếp thời gian, công việc ngồi hỗ trợ cho con.
Anh Nguyễn Khiêm, quận Long Biên cho biết: “Vợ chồng mình đều là công nhân, trình độ công nghệ tờ mờ, thực sự rất vất vả khi phải mày mò để kèm con học. Có con muộn, nên giờ có tuổi rồi, mắt mũi kèm nhèm, do đó gần tháng qua cũng căng thẳng vô cùng”.
“Mạng quá kém nên các cháu vào không được, chờ hoài có vào được cũng chậm và bị ngắt quãng nên mấy đứa nhỏ bị phân tâm, học mà bố mẹ cứ phải theo sát rất là khó vì ý thức của các cháu nhỏ chưa tự học một mình được. Con mình 6 tuổi, mỗi ngày dán mắt vào màn hình từ sáng đến chiều, mình tự hỏi học vậy để làm gì, rất thương con và mong muốn nhà trường có một cách khác phù hợp” – một phụ huynh khác chia sẻ.
Thực tế, để bắt một đứa trẻ lớp 1, 2 ngồi 30 phút nghiêm túc học bài bên màn hình không dễ dàng. Còn với học sinh cấp hai, cấp ba, sẽ có rất nhiều “ý tưởng” để đối phó hay “bày trò” khi các em đang ở lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma”.
Thông thường, các bạn sau khi qua màn điểm danh ban đầu sẽ tắt màn hình để làm việc riêng. Có bạn ăn uống, có bạn rủ nhau chơi game tập thể… Thế nên, trong giờ học sẽ có những tình huống bi hài như cô giáo nhắc các bạn nam không được cởi trần trong lớp; có bạn cô gọi tên trả lời câu hỏi không thấy đâu, lúc sau chạy vào hốt hoảng: “Thưa cô gọi con ạ. Ban nãy con vừa đi vệ sinh nên không biết cô gọi ạ”.
Có bạn điểm danh xong thì “mình ngủ có một lát thôi mà mở mắt ra không thấy thầy và bạn đâu vì hết giờ học”. Lại thêm tình huống nhiều phụ huynh “bất thình lình” xuất hiện trước màn hình trực tuyến làm cô giáo giật mình. Thậm chí nhiều phụ huynh vào phòng quên là con đang học online, bèn nựng nịu thơm con chíu chít trước “cả lớp”.
Không thay thế được trường lớp
Trở lại việc học trực tuyến không hiệu quả với học sinh lớp 1, 2 – PGS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục cho rằng, việc học trực tuyến không đem lại hiệu quả với học sinh mầm non và lớp 1, lớp 2. Đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, áp dụng thời gian dịch bệnh. Theo thầy Nam, việc tổ chức dạy học trực tuyến phải căn cứ theo đặc điểm tâm, sinh lý, độ tuổi của trẻ.
Đối với trẻ quá nhỏ không thể đòi hỏi các con tập trung hoặc xử lý nhiều công việc cùng một lúc như ghi bài, nghe giảng, thao tác trên màn hình. Bên cạnh đó, việc nhìn nhiều màn hình điện thoại cũng gây ảnh hưởng đến mắt của trẻ nhỏ. Do đó, một số địa phương dừng việc học trực tuyến là đúng đắn và tốt nhất nên kiểm soát dịch Covid-19 nhanh chóng để trẻ được đến trường.
Cô giáo Vũ Thu Hà, giáo viên tiểu học cho rằng, việc dạy trực tuyến không mấy hiệu quả và khiến phụ huynh, giáo viên, học sinh đều vất vả. Đối với hình thức giảng dạy trên lớp, đôi khi học sinh còn lơ đãng, không chịu học chứ đừng nói đến việc học trực tuyến. Vì thế, chỉ có khoảng trên dưới 20% học sinh là chịu học. Đặc biệt với học sinh tiểu học rất khó tập trung để học trực tuyến.
Cô Chu Vân Anh, một chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ, học online không phải cây đũa thần với mọi lớp học và mọi nhóm học sinh. Sau Tết, hầu hết trường học chuyển sang hình thức dạy online trong tâm lý lo lắng vì dịch.
Cô Vân Anh cho rằng, học online khá hiệu quả với nhóm học sinh lớn nhưng kém hiệu quả với nhóm tiểu học trở xuống. Học sinh cấp hai, cấp ba thích ứng nhanh hơn với việc sử dụng công nghệ và có ý thức tập trung cao hơn. Việc dạy và học trở nên dễ dàng hơn khi trò hiểu yêu cầu của thầy, biết chuẩn bị bài trước, chủ động thảo luận với thầy cô.
Nhưng với nhóm tuổi tiểu học, độ tuổi 5 đến 10, các em chưa thể đủ kỹ năng xử lý tình thế một mình học online ở nhà, tự bám theo lịch học. Trong quá trình học, đôi khi mạng yếu và bị bật ra ngoài, nhiều em không biết vào lại như thế nào.
Học online sẽ vẫn hiệu quả với những em có khả năng tự học cao, chủ động khám phá và quản lý thời gian tốt. Nhưng số học sinh ý thức cao không nhiều trong một lớp, nhất là các lớp ở trường công thường 40 đến 50 em.
Khi thấy chán, chúng sẽ lang thang các trang mạng khác mà giáo viên và cha mẹ không thể kiểm soát được. Đôi khi học sinh vừa nghe giảng vừa làm việc riêng, chat hay nói chuyện với bạn khác. Học sinh khi học online vẫn có tiếng lạch cạch quay bút, tiếng xe cộ, tiếng người nhà nói vọng vào micro…
“Việc đòi hỏi phụ huynh tham gia học online ở Việt Nam gần như bất khả kháng vì hầu hết họ đều đi làm vào giờ trẻ học. Không có nghĩa học online ở nước ngoài hiệu quả thì với trẻ em Việt Nam cũng thế. Đi chậm lại cũng là cách để ta tìm ra giải pháp về mặt phương pháp, đội ngũ cho một tương lai giáo dục mà không có ai bị vấp ngã hay bỏ lại.
Đồng thời, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, với xã hội công nghệ số như hiện nay thì việc đến trường, học ở trường cần thiết hơn bao giờ hết. Vì đến trường không chỉ để học mà để chơi, để sống những khoảnh khắc đáng sống của tuổi học trò với bạn bè, với thầy cô. Internet, công nghệ số đã mang đến cho xã hội những thành tựu nhưng cũng lấy đi thứ quý giá của con người đó là cảm xúc” – cô Chu Vân Anh bày tỏ.
Trả lời vấn đề dừng học ở học sinh lớp 1, 2, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho hay, đối với lớp 1, lớp 2, học trực tuyến mang tính chất bổ trợ cho học trực tiếp, duy trì thói quen, nhưng không phải là thay thế hoàn toàn.
Bộ GD&ĐT phối hợp với kênh VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam triển khai 36 chủ đề học tập để song hành cùng các em học môn Tiếng Việt, giúp các em đọc thông, viết thạo. Khi các em bị gián đoạn việc học vì dịch thì các em học sinh có thể sử dụng các chủ đề học tập qua điện thoại, máy tính hay sóng truyền hình, giúp các em ôn tập lại các bài học và có thể đọc thông, viết thạo trước khi lên lớp 2.