Xã Năng Khả có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Tày. Trải qua năm tháng, người Tày nơi đây vẫn giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp như: Kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục dân tộc, nghệ thuật hát then, đàn tính, các lễ hội văn hóa truyền thống… Nổi bật trong đó là Lễ hội Lồng tồng được tổ chức thường niên vào dịp đầu Xuân năm mới.
Đây được xem là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân, cầu mong cho cuộc sống khỏe mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi, ước nguyện một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Sau nghi thức Tịch điền, các đại biểu và bà con nhân dân cùng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống như: Tung còn, đẩy gậy, kéo co, đi, và Hội thi bắt cá bằng tay được tổ chức vào dịp đầu Xuân mới nhằm tôn vinh, biểu dương những cá nhân, hộ gia đình có nhiều thành trong phát triển nuôi trồng thủy sản.
Đây là năm thứ 9 được tổ chức nhưng Hội thi bắt cá bằng tay ở xã Năng Khả những đã để lại nhiều nét đẹp văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút được đông đảo du khách thập phương đến tham gia và cổ vũ.
Trò chơi này bắt nguồn từ hội bắt cá ruộng xa xưa của bà con trong vùng. Trước đây, đồng bào dân tộc Tày chỉ trồng một vụ lúa, vụ sau đắp bờ, lấy nước để nuôi cá. Khi chuẩn bị cho vụ lúa mới, cả làng ra ruộng bắt cá.
Theo quy định, người tham gia bắt cá phải bắt bằng tay, không được sử dụng bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào. Người nào bắt được các con cá do ban tổ chức đánh dấu trước sẽ được trao thưởng.
Đây cũng là dịp xã Năng Khả nhằm động viên, khuyến khích người dân hăng hái thi đua lao động, phát triển kinh tế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Tày, quảng bá, phát triển du lịch tại đia phương.