Năm 2013, Nhà máy thủy điện ICT Chiêm Hóa được đưa vào sử dụng đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân vùng lòng hồ. Thay vì canh tác lúa nước như trước đây, người dân bắt tay vào nuôi cá lồng và bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao.
Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa 9 tháng đầu năm 2020 thể hiện, diện tích nuôi, thả, khai thác cá hiện nay trên toàn huyện là 1.208,5ha. Sản lượng thủy sản ước đạt 1.535 tấn, đạt 72,56% kế hoạch được giao.
Nghề nuôi cá trên lòng hồ thủy điện đang mang lại hướng đi mới khởi sắc cho bà con
huyện Chiêm Hóa.
Những kết quả có được như trên là nhờ vào sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện Chiêm Hóa đối với nhân dân địa phương, đặc biệt là người dân sống ở ven lòng hồ.
Anh Nông Văn Hiếu, thôn Hùng Cường, xã Hũng Mỹ, huyện Chiêm Hóa cho biết: Trước đây gia đình anh canh tác lúa nước, nhưng từ khi thủy điện đắp đập gia đình anh chuyển nuôi cá lồng. Bắt tay làm từ cuối năm 2018, đến nay gia đình anh Hiếu đã bán được 2 lứa và thu gần 20 triệu đồng, hiện lồng cá lăng và một lồng cá trắm lại đang chuẩn bị được thu hoạch.
“vì chưa có kinh nghiệm, nên bước đầu gia đình tôi chỉ làm cầm chừng thử nghiệm nhưng không ngờ nuôi cá lồng lại mang lại hiệu quả kinh tế cao như thế. Mỗi ngày vợ chồng tôi cũng chỉ phải dành khoảng 1-2 tiếng cho việc chăm cá, còn lại thời gian vẫn có thể làm việc khác để cải thiện thu nhập gia đình”. Anh Hiếu chia sẻ.
Theo anh Hiếu, trước khi bắt đầu với nghề nuôi cá lồng anh đã được xã, huyện tổ chức tập huấn kinh nghiệm nuôi cá. Tuy nhiên, quá trình nuôi cũng gặp phải nhiều khó khăn do dịch bệnh liên quan đến thủy sản, nhưng nhờ sự tận tình hướng dẫn giúp đỡ của xã, huyện mà mọi khó khăn đều được giải quyết.
Tại xã Hùng Mỹ, bà Ma Thị Điều, Tổ Trưởng tổ hợp tác xã Hùng Mỹ cho hay, tổ hợp tác của bà gồm 6 thành viên, tương trợ học hỏi lẫn nhau trong quá trình nuôi cá lồng. Gia đình bà ngoài nuôi cá lăng, cá rô… còn nuôi cả ếch, từ khi nghề chăn nuôi trên lòng hồ phát triển, kinh tế gia đình bà Điều cũng khá khẩm hơn nhiều.
Bà Điều chia sẻ: “tổ hợp tác của chúng tôi gồm 6 hộ gia đình, hỗ trợ lẫn nhau về chăm sóc giống khi còn nhỏ, kỹ thuật nuôi. Quá trình nuôi khó khăn chủ yếu là những loại bệnh về cá, nhưng khó tìm chuyên gia tại chỗ mà phải chờ nhiều ngày họ mới đến, rồi đầu ra cho sản phẩm. Thiệt hại ban đầu cũng có, nhưng trong tổ mỗi người một sáng kiến trị những loại bệnh thông thường, ai trị khỏi thì bảo nhau cùng làm nên đều thuận lợi, cả đầu mối xuất ra thị trường cũng được mọi người cùng chia sẻ”.
Ông Ma Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ chia sẻ: Hàng năm xã thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá cho bà con, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về con giống, tổ chức công tác thủy sản, đưa các hộ nuôi cá đi thăm quan các mô hình hiệu quả ngoài xã.
Về phía huyện, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết: “huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phát triển cá đặc sản trên sông, hồ thủy điện, hồ thủy lợi, các mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap gắn với củng cố, tổ chức và xây dựng thương hiệu theo các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, xây dựng các dự án về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện”.
Tận dụng những thuận lợi như: Lực lượng lao động tham gia vào lĩnh vực phát triển thủy sản ngày một nhiều, tích lũy kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các giống mới có giá trị kinh tế vào sản xuất…huyện Chiêm Hóa đang đi đúng hướng, góp phần nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả sản xuất giúp cuộc sống của bà con ở huyện miền núi ngày một khởi sắc.