Cách giữ rừng đặc biệt ở Phiêng Luông

Ở vùng đất này lâm “tặc” chỉ cần bén mảng là bị người dân vây ráp, thậm chí bắt lại giao cho lực lượng chức năng xử lý.

Gỗ quý còn vô vàn

 Cánh rừng Phiêng Luông, thuộc xã Phiêng Luông, huyện Bắc Mê có tổng diện tích 1.973,8ha là cánh rừng có độ che phủ vào loại dày nhất của tỉnh Hà Giang với 75%.  Đặc biệt, địa phương này vẫn còn nguyên những cây gỗ cổ thụ có đến hàng trăm tuổi như: Dổi, Nghiến…Đằng sau câu chuyện giữ rừng ấy là tinh thần nhiệt huyết của nghành Kiểm lâm và đồng bào nơi này.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê bảo, với tình trạng phá rừng như bây giờ hiếm còn cánh rừng nào còn nguyên vẹn như Phiêng Luông. Có được rừng như bây giờ, phải kể đến người dân địa phương.

DSC_0707
Người dân và kiểm lâm luôn sát cánh cùng nhau trong công cuộc giữ rừng,

Từng thâm nhập và viết nhiều bài điều tra về lâm “tặc”, tôi cũng thấu hiều một phần về thủ đoạn của những kẻ phá rừng. Kể cả khi bố trí lực lượng Kiểm lâm dày đặc mà chúng vẫn có thể tìm sơ hở để tuồn gỗ ra ngoài tiêu thụ, do đó để có được cánh rừng nguyên vẹn như Phiêng Luông là hiếm.

Hỏi về bí quyết giữ rừng, ông Kiên giãy bày: “Kiểm lâm chỉ đóng góp một phần nhỏ, còn lại phải lấy dân làm gốc, dân thuận, dân quyết tâm giữ  thì rừng mới còn, nếu muốn rõ mời nhà báo lên tận nơi để xem”.

 Hôm cùng những người lính bảo vệ rừng xanh lên nơi này, người viết mới ngỡ ngàng bởi ngay bên đường là san sát những gốc Nghiến cổ thụ phải đến 4-5 người ôm mới xuể. Cũng bởi bốn bề là rừng, rừng bạt ngàn nên chim muông ở Phiêng Luông không thiếu chỗ trú ẩn, bình minh lên tiếng chim hót vang trời.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê, mặc dù diện tích rừng ở Phiêng Luông rộng là thế, nhưng huyện chỉ cử duy nhất một người lên bám địa bàn là đủ. Người quanh năm ăn, ngủ cùng đồng bào nơi này là đồng chí Sái Minh Phương, Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã.

Anh Phương bảo rằng, ở đây cũng giống như những địa phương khác, nghành cũng xây dựng tổ, đội bảo vệ rừng, mỗi thôn có một đội riêng biệt. Các thành viên trong đội này được người dân lấy phiếu bầu, có được danh sách, xã mới ban hành quy chế hoạt động, còn kinh phí duy trì được trích từ phí chi trả môi trường rừng, khoán bảo vệ môi trường rừng hàng năm…Khoản kinh phí này phải đảm bảo công khai và chi tiêu hợp lí.

Đặc biệt, mỗi thành viên trong tổ, đội này được ví như một mắt xích trong công tác bảo vệ rừng. Hễ có thông tin họ lập tức báo cho toàn đội, nên mọi biến động ở cánh rừng này đều nằm trong tầm kiểm soát.

Anh Phương cho biết, cả xã có 4 thôn thì chỉ có 4 tổ, đội là đủ, tuy nhiên vị trí địa lí của Phiêng Luông là đặc biệt phức tạp. Bởi ráp ranh với các xã Yên Cường, Thượng Tân, Đường Hồng (Bắc Mê) và xã Sinh Long, huyện Na Hang ( tỉnh Tuyên Quang).

Khó khăn vì kinh phí bảo vệ rừng ít, vị trí địa lí phức tạp, Phiêng Luông là miếng mồi “béo bở” của những lâm “tặc” vẫn ngày đêm lăm le. Nhưng ngặt nỗi đồng bào người dân ở đây đặc biệt yêu rừng, coi rừng là một phần trong cuộc sống của họ.

Anh Cử Mí Lúa, Trưởng thôn Phiêng Luông, đồng thời là Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng ở thôn này cho biết: “trước đây đồng bào người Mông ở nơi này vốn di cư từ các huyện vùng Cao nguyên đá về. Do quê hương khan hiếm cây cối, bốn bề đều núi đá nên người Mông coi rừng như tài sản quý giá, từ trước đến nay nhà nào muốn chặt gỗ làm nhà cũng đều tự giác xin ý kiến của già làng, thế nên đến bây giờ mới còn nhiều gỗ thế này(!)”.

 Cuộc chiến giữ rừng

Ở Phiêng Luông, hàng tuần mỗi tổ, đội phân công nhau hướng về nhiều ngả tuần khu vực rừng mà tổ, đội đó quản lý. Hễ phát hiện cây bị lâm “tặc” chặt hạ họ đều ghi lại địa điểm, số lượng và báo cáo trong mỗi cuộc họp để có hướng xử lý.

Chuyện giữ rừng ở đâu cũng thế, vì kinh tế mà người ta bất chấp tất cả để phá rừng, ở Phiêng Luông cũng không ngoại lệ. Điển hình như vụ việc diễn ra vào khoảng tháng 6/2013, một đối tượng ngang nhiên sử dụng cưa máy khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng phòng hộ thôn Phiêng Đáy, xã Phiêng Luông.

Tuy nhiên, người dân lên rừng phát hiện và lập tức báo lực lượng chức năng, ngay sau đó đối tượng này bị bắt cùng số tang vật nhờ phá rừng mà có là 17,45m3 gỗ nhóm IIA. Qua xác minh, người này khai tên Nông Văn Kỳ, trú tại thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê.

DSC_0729
Hiếm có nơi nào còn nhiều rừng như ở Phiêng Luông.

Vào tháng 8/2013, vụ án đã được TAND huyện Bắc Mê đưa ra xét xử, đồng thời tuyên án Nông Văn Kỳ với mức án 24 tháng tù.

Anh Cử Mí Lúa cho biết, cũng từ vụ án đó mà tình trạng phá rừng ở Phiêng giảm hẳn, tiếng máy cưa cũng không còn vang xé rừng nữa. Có chăng chỉ có lác đác những vụ nhỏ, mới manh nha đã bị người dân phát hiện và vây ráp, rồi giao các đối tượng cho cơ quan chức năng xử lý.

Rõ như vụ 2 đối tượng đang dùng máy cưa xăng phá rừng tại thôn Phiêng Đáy vào tháng 10/2018, người dân thấy vậy đã chủ động theo dõi, sau đó báo cho tổ bảo vệ rừng về địa điểm của lâm “tặc” để tổ này báo cáo cấp trên xin ý kiến, rồi phối hợp cùng lực lượng chức năng vây bắt.

Kết quả xác minh 2 đối tượng này đều là người ở xã Yên Cường (huyện Bắc Mê) lên khai thác lâm sản, nhưng do tang vật thu được từ việc phá rừng chưa nghiêm trọng nên chỉ bị phạt hành chính.

Theo anh Sái Minh Phương, hiếm có nơi nào người dân lại đồng lòng bảo vệ rừng như ở Phiêng Luông, hầu hết các đối tượng phá rừng đều là người nơi khác. Nhưng muốn có sự đồng thuận ấy, trước đó anh Phương và nhiều đồng chí Kiểm lâm cũng phải lên sống cùng người dân, coi những nóc nhà ở Phiêng Luông là ngôi nhà thứ 2 của mình.

Nhờ sự quyết liệt của người dân và Kiểm lâm Bắc Mê mà cánh rừng ở Phiêng Luông vẫn vẹn nguyên như bây giờ. Song còn rừng nghĩa là lâm “tặc” vẫn chưa hết, dễ hiểu rằng rừng vẫn còn có giá trị thì vẫn còn có nhiều kẻ lăm le kiếm lời.

Khoảng đầu tháng 1/2019, người dân tiếp tục tuần rừng và phát hiện một số đối tượng ở địa phương khác đang vận chuyển gỗ bằng ô tô qua địa phận thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông. Lập tức tổ bảo vệ rừng phát hiện và báo Kiểm lâm địa phương phối hợp cùng vây bắt, tang vật thu được trong vụ việc lần này là 0,7m3 gỗ Bách Xanh và chiếc tô tô chở lâm sản trái phép.

Trước khi chia tay đoàn công tác anh Phương bảo rằng, việc giữ rừng thực sự rất khó khăn đối với nghành Kiểm lâm địa phương, không phải ngày hôm nay giữ được nghĩa là suốt đời có rừng. Việc này phải làm xuyên suốt, làm sao để người dân luôn có một tình yêu với rừng xanh như thế.

*Theo Phàn Họ - PL+

Chia sẻ & Bình luận

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email