Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương trên cả nước ta phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, linh hoạt hơn trên tinh thần là đẩy mạnh chiến lược phòng, chống dịch, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng và nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc. Cần nhất quán thực hiện một chiến dịch chống dịch hiệu quả, cả về y tế và kinh tế xã hội.
Để kiểm soát dứt điểm dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố, trước hết là 20 tỉnh, trong đó có 13 tỉnh đã có xuất hiện ổ dịch và 7 tỉnh biên giới có những hành động cụ thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 phù hợp với hoàn cảnh của địa phương mình nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời.
Đặc biệt thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong đó, các nhà máy, xí nghiệp phải có phương án phòng, chống dịch trước khi bắt tay vào sản xuất và các cơ quan chức năng, nhất là các địa phương và ngành y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Ngành Y tế, các địa phương và các bệnh viện xét nghiệm lại các chuyên gia vào Việt Nam một cách nghiêm túc. Phải quản lý chặt chẽ các khu vực cách ly, khu vực bị phong tỏa, không để lây nhiễm chéo trong khu vực bị cách ly, bị phong tỏa. Thủ tướng giao lực lượng quân đội đảm nhận các khu cách ly tập trung. “Vấn đề phòng, chống dịch phải đi từ cơ sở, 4 tại chỗ. Chúng ta không đặt vấn đề dừng sản xuất kinh doanh nhưng sản xuất kinh doanh phải bảo đảm an toàn”. Hệ thống y tế bố trí nguồn lực cho việc xét nghiệm chủ động những người làm công việc có nguy cơ nhiễm cao, như tại các bệnh viện… Các địa phương đang có dịch tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhanh chóng dập tắt dứt điểm dịch bệnh.
Thủ tướng nhất trí việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với toàn bộ tỉnh Hải Dương để ngăn chặn dịch này một cách quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội có thể giãn cách một số khu vực mà chúng ta cho rằng có khả năng lây nhiễm cao.
Qua vụ việc công dân Nhật Bản bị nhiễm Covid-19 tử vong tại khách sạn, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường, khai báo y tế, siết lại những biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú, đồng thời cần có quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm Covid-19, không chỉ cho ngành Y tế và tất cả các lực lượng cũng cần được phổ biến. Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các cách tiếp cận chống dịch mới trước tình hình mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra. Ngành y tế xem xét khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu và đồng chi trả để Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp.
Ngành Y tế và ngành Công thương đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.
Về vấn đề vaccine Covid-19, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vắcxin về Việt Nam phục vụ người dân. Thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vắcxin sản xuất trong nước. “Trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ”, Thủ tướng lưu ý, trong tháng 2 phải có được vắcxin từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vắcxin, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính, xác định đối tượng cần ưu tiên, những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo địa phương căn cứ tình hình dịch, có hướng dẫn việc học sinh học trực tuyến hoặc một bộ phận nghỉ học để phòng, chống dịch, do Bộ và tỉnh, thành phố quyết định như TP. Hà Nội và một số địa phương khác đã làm.