Tết cơm mới của người Xa Phó có gì độc đáo?

Nghi lễ ăn cơm mới của người Xa Phó không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống các nghi lễ nông nghiệp mà còn thể hiện một giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện sự tôn vinh cây lúa trong đời sống sản xuất và văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số Lào Cai nói riêng.

1

Người Xa Phó còn được gọi là Phù Lá, Lao Pạ, Lao Mạ, Bồ Khô Pạ, Bồ Khô Mạ… sống tập trung chủ yếu ở một số xã của huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên, Thị xã Sa Pa; thành phố Lào Cai của tỉnh Lào Cai. Họ có đời sống kinh tế gắn liền với sản xuất nông nghiệp, bởi vậy đã hình thành nên một tập quán riêng trong đời sống hằng ngày với nhiều nét văn hóa mang đặc trưng của dân tộc mình.

Đối với người Xa Phó, tết cơm mới là một nghi lễ rất quan trọng để cảm ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình, cộng đồng có vụ mùa bội thu. Đồng thời, nghi lễ còn có ý nghĩa là rước hồn mẹ lúa về kho để nghỉ ngơi, để chuẩn bị cho một năm canh tác mới, một mùa vụ mới vào năm sau.

Lễ hội cơm mới còn là dịp để đồng bào Xa Phó cùng nhau vui chơi, chào mừng một mùa vụ bội thu với các trò chơi dân gian, những tiết mục văn hóa văn nghệ, những tiết mục biểu diễn do chính người dân thực hiện: Múa xòe kết hợp với kèn ma nhí, đây là điệu múa xòe đặc trưng của người Xa Phó thường được tổ chức ngày tết, ngày hội vui mừng năm mới đã đến, mừng cho mùa màng bội thu, cầu cho con người cũng như vật nuôi được sinh sôi phát triển.

Múa xòe còn là dịp để con cháu đến chúc mừng người già trong gia đình và là dịp để thanh niên, trai gái tìm hiểu và lựa chọn bạn đời; Thổi sáo cúc kẹ là sáo làm bằng cây trúc, đặc biệt người Xa Phó dùng bằng mũi để thổi, tiếng sáo du dương, lúc trầm, lúc bổng rất say đắm lòng người; Múa sạp là điệu múa tập thể, thể hiện tinh thần đoàn kết, thể hiện tình cảm mến khách của người Xa Phó.

2
Người Xa Phó còn được gọi là Phù Lá, Lao Pạ, Lao Mạ, Bồ Khô Pạ, Bồ Khô Mạ…

Khi các cánh đồng lúa đã ngả màu, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới, các gia đình trong làng chọn lấy một ngày tốt, ngày đẹp để mừng thu hoạch, tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động tốt đẹp nhất lên các vị thần thánh cùng gia tiên, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà tổ tiên đã khuất.

Nghi lễ quan trọng nhất trong tết cơm mới của các dân tộc là nghi lễ đón hồn lúa mới hay rước hồn lúa mới về nhà. Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh và sự trân trọng giá trị của cây lúa trong đời sống sản xuất và sinh hoạt, các dân tộc thiểu số ở đây đã “thiêng hóa” hình ảnh cây lúa trong tâm thức tín ngưỡng tộc người, họ đều cho rằng cây lúa cũng có linh hồn. Vì vậy, trong mỗi khi tổ chức tết cơm mới mỗi gia đình phải đi rước “hồn lúa mới” từ cánh đồng, nương rẫy về nhà. Thậm chí, hình tượng cây lúa và “hồn lúa” trong tâm thức của nhiều dân tộc còn mang đậm tính nhân văn, bản sắc văn hóa tộc người.

Theo phong tục của người Xa Phó, nghi lễ rước “hồn lúa” về nhà vào lúc sáng sớm ngày Tết cơm mới, người vợ (chủ gia đình) sẽ dậy sớm hơn mọi khi, mặc bộ quần áo mới lặng lẽ đi ra nương gặt lúa, họ kiêng để cho người khác biết và đặc biệt là kiêng gặp người cùng làng trên đường đi. Nếu thấy ai thì họ thường phải tránh, bởi họ cho rằng nghi thức đón “hồn lúa” về nhà phải diễn ra một cách bí mật. Khi gặt lúa, mặt phải quay về hướng Đông với ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở.

3
Nghi lễ múa hát trong Tết cơm mới của đồng bào Xa Phó.

Mục đích chung nhất của nghi lễ này là mang những cum lúa mới có “hồn lúa mới” từ trên nương, ruộng của gia đình về nhà. Đây sẽ là thành quả lao động tốt đẹp nhất, lễ vật thành kính nhất mỗi gia đình phải chuẩn bị để dâng lên các vị thần thánh và tổ tiên trong ngày Tết cơm mới…

Đến sáng hôm sau, họ mang những cụm lúa mới xuống giã thành gạo, nấu cơm mới để cúng tổ tiên. Tuy nhiên, trước khi đồ cơm hoặc đồ xôi, gia đình phải vào rừng tìm lấy 1 bắp chuối rừng, 1 nắm quả cà dại, 1 ít cát ở dưới suối mang về nhà. Ngày gia đình ăn tết cơm mới, toàn bộ thóc gạo cũ của gia đình đều được đem cất đi, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ với ý nghĩa để đón hồn lúa mới về. Gạo được đồ chín, sau đó bỏ ra các sàng lót lá chuối bên dưới để chuẩn bị cho nghi lễ thờ cúng.

Người Xa Phó Lào Cai bày hai mâm lễ, một mâm cúng ma nhà được đặt ở mép cửa và một mâm cúng trời đất được đặt ở ngoài sàn. Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình đặt 1 gói xôi, 1 gói cơm tẻ, 1 đĩa thịt gà, 1 gói cát, 1 gói hoa chuối, 1 gói cà xanh, 2 ống nứa đựng rượu, chén uống rượu, bát đũa, 2 cuộn chỉ dùng để buộc vào tay với ý nghĩa là lộc cho anh em về ăn tết với gia đình. Ngoài ra, họ còn treo một bộ quần áo mới cùng khăn, các đồ trang sức, vòng bạc… gần đó.

Sau khi đồ lễ được bày xong, thầy cúng trong bộ trang phục truyền thống, ngồi trước bàn thờ tổ tiên, bàn thờ trời đất cúng gọi các đời tổ tiên, các vị thần về ăn tết cơm mới với gia đình và cầu mong tổ tiên, các vị thần phù hộ cho gia đình được may mắn. Tiếp đó là đến nghi thức trao lộc cho anh em về dự lễ.

Trong phần lễ hội nghi thức quan trọng nhất đó là dùng hai cuộn chỉ buộc vào tay các gia đình với ý nghĩa cầu chúc sức khỏe, may mắn, gắn kết các thành viên trong gia đình. Ăn cơm xong, chủ nhà rót 3 lần rượu, mọi người đều phải uống hết 3 lần để làm “lý” rồi được tự do mời, chúc tụng nhau. Ai biết hát thì hát, ai biết thổi sáo thì thổi. Họ cùng thi thố tài năng qua các bài hát, điệu nhạc, trai gái cầm tay nhau xòe quanh bếp lửa rồi cùng nhau nâng chén rượu. Bên bếp lửa bập bùng mọi người cùng nhau ăn uống chúc năm mới gặp nhiều may mắn, sức khỏe và mua màng bội thu.

*Theo PL+

Chia sẻ & Bình luận

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email