Những ngày giáp Tết, chúng tôi về thăm làng nghề làm hương thảo mộc Nà Kéo, xóm Nà Mạ, chứng kiến không khí hối hả của bà con làm nghề phục vụ nhu cầu dịp Tết. Ngay khi vừa bước chân vào đầu xóm, mùi hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết lan tỏa khắp không gian yên bình, thoáng đãng của làng quê. Từ cổng đến góc sân hay đầu hồi mỗi ngôi nhà, hương được trải đều, dựng và phơi ngay ngắn trên những chiếc sạp tre. Khác với những làng nghề làm hương ở nhiều địa phương, người dân ở Nà Mạ làm hương hoàn toàn bằng thủ công với những nguyên liệu chính từ thiên nhiên như: cây keo, mùn cưa, cây mai.
Không ai biết nghề làm hương có từ bao giờ, người dân nơi đây chỉ biết rằng nghề đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hàng trăm năm nay. Vừa nhanh tay se từng que hương vẫn còn thơm nóng bột keo, bà Sầm Thị Sấn bộc bạch: Từ ngày tôi về làm dâu đã được bố mẹ chồng truyền lại cho nghề làm hương của gia đình, tính đến nay tôi đã có hơn 40 năm làm hương. Hiện các con của tôi cũng đã thành thạo nghề. Người dân nơi đây làm hương quanh năm, đặc biệt làm nhiều vào dịp rằm tháng Bảy, dịp Thanh minh (3/3 âm lịch), Tết Nguyên đán… Thời điểm này, cả nhà tôi tranh thủ thời gian nông nhàn làm hương để giao cho khách.
Để làm được một cây hương cháy đến tận chân hương và thơm dịu đòi hỏi người làm hương phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương, rồi se hương, phơi hương. Lá cây keo lấy từ rừng về đem phơi khô, giã mịn bằng cối đá rồi được sàng lọc kỹ lưỡng bằng sàng rây. Sau đó trộn bột keo với mùn cưa mịn, hòa với nước sôi theo tỷ lệ phù hợp sẽ được một chất keo đặc, hương thơm dịu nhẹ kết dính với nhau. Tăm hương làm từ cây mai chẻ nhỏ dài 40 – 50 cm, phơi nắng cho thật khô để thẻ hương cháy tốt và không bị tắt giữa chừng.
Để có que hương to gần bằng chiếc đũa phải trải qua công đoạn se bột vào từng que hương rồi mới lăn qua bột khô bao bọc ở ngoài. Để que hương kết dính chặt, không dính nhau thì lăn nhẹ que hương để đạt độ nhẵn nhất định. Các công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, đều và nhanh tay vì nếu làm chậm que hương bị khô, không kết dính tốt. Hương trước khi đem ra phơi nắng được phơi trong bóng râm khoảng 1 ngày để lớp bột áo se lại. Khi phơi ra nắng, bằng cảm quan của người làm nghề sẽ biết bao lâu là đủ “tiêu chuẩn”, nếu phơi quá lâu hương sẽ bị khô, màu sắc phai nhạt, nếu phơi quá ít khiến cho hương khi thắp cháy không đều.
Hiện nay, dù thị trường có nhiều loại hương được sản xuất ở nhiều nơi bằng cả phương thức truyền thống hay công nghiệp, nhưng những bó hương được làm từ làng nghề Nà Kéo luôn được thị trường ưa chuộng, đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Theo ông Nông Linh Long, Trưởng xóm Nà Mạ, hiện, xóm Nà Mạ có 76 hộ thì trên 40% hộ duy trì nghề làm hương, chủ yếu bà con tranh thủ thời gian nông nhàn.
Được làm từ 100% nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe, chính điều này khiến cho hương Nà Kéo hàng trăm năm qua luôn giữ vững thương hiệu, uy tín. Sản phẩm hương làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng mà còn bán ra các địa phương trong và ngoài tỉnh. Làm hương thảo mộc góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, chiếm 50% tổng thu nhập trong hộ gia đình làm nghề, trung bình mỗi hộ thu nhập 40 – 50 triệu đồng/năm.
Gia đình bà Lâm Thị Xanh duy trì nghề làm hương từ nhiều đời nay, chia sẻ: Hơn 20 năm qua, từ làm hương thảo mộc, gia đình tôi có điều kiện nuôi các con ăn học, có công việc ổn định. Mỗi bó hương giá bán dao động từ 10.000 – 15.000 đồng. Thường thì tôi vẫn mang hương đi chợ phiên bán, mỗi phiên bán được từ 400.000 – 500.000 đồng. Những dịp lễ, Tết, mức tiêu thụ tăng từ 2 – 3 lần, có người đến mua hàng tại nhà để đem đi bán tại các địa phương khác, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, người tiêu dùng tin cậy lựa chọn bởi hương rất an toàn và thơm mùi hương của thiên nhiên.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, các thế hệ người dân làng Nà Mạ vẫn truyền đời giữ nghề gắn liền những giá trị văn hóa, tâm linh của dân tộc. Năm 2020, làng hương thảo mộc Nà Kéo được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Nén hương thơm của làng nghề Nà Kéo góp phần tô thắm nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của người dân. Những nén hương dâng lên tổ tiên cùng với bánh chưng xanh như gợi lên trong ký ức mỗi người về khoảnh khắc sum họp quây quần bên gia đình trong những ngày lễ, Tết đầm ấm, yên vui.