Khởi sắc nhờ kết hợp sức dân ở Quản Bạ

Bằng những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đặc biệt là sự hưởng ứng của nhân dân, huyện Quản Bạ đang ngày một khởi sắc rõ dệt.

Có xuất phát điểm thấp, điều kiện về tự nhiên – xã hội khó khăn, thu ngân sách ít, nguồn ngân sách dành cho xây dựng Nông thôn mới (NTM) chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của Trung ương. Kết quả rà soát, đánh giá năm 2010 huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chỉ có 01 xã đạt 03 tiêu chí, 05 xã đạt 02 tiêu chí, 06 xã đạt 01 tiêu chí; Cơ sở vật chất huy động từ nguồn nội lực trong dân và ngoại lực hạn chế; Đội ngũ cán bộ còn có những hạn chế nhất định; Hệ thống giao thông; Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún…Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện chương trình này, huyện Quản Bạ đã có những tín hiệu tích cực.

anh QB2
Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ đang ngày một khởi sắc nhờ Nông thôn mới

Để có được những thành quả như thế, huyện Quản Bạ đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai thực hiện chương trình Nông thôn mới theo từng giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn I (năm 2010-2015), huyện đã xây dựng và ban hành các kế hoạch hàng năm, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Nội dung trọng tâm các văn bản tập trung chủ yếu vào các vấn đề như công tác quy hoạch xã nông thôn mới; Đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; Công tác tuyên truyền và thực hiện các phong trào thi đua xây dựng NTM; Triển khai các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế…

Giai đoạn II (từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2019), huyện đã tập trung triển khai các nội dung thực hiện các tiêu chí xã Nông thôn mới với các cơ chế chính sách và các giải pháp cụ thể, thiết thực để hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

102940411_252627382698716_393293835550857004_n
Nhằm giữ gìn tiêu chí Giao thông, các địa phương tại huyện Quản Bạ đã lập hàng rào chắn không cho xe có trọng tải lớn đi qua.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế; Thực hiện phân bổ vốn và triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo cơ chế đặc thù do tỉnh ban hành; Tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và tổ chức chính trị – xã hội thông qua các phong trào thi đua của các Hội, Đoàn thể, qua triển khai thực hiện các công trình tại các thôn trên địa bàn…

Kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới tại huyện Quản Bạ nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của người dân. Nhiều tuyến đường bê tông cũng sấn sổ vào đến từng ngõ, từng nhà.

Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, ông Nông Minh Tiến, Chủ tịch UBND xã Quản Bạ cho biết: “nhờ sự tự giác và hưởng ứng của nhân dân, nhiều tuyến đường đã được xây dựng khang trang. Riêng năm 2019, trên địa bàn xã đã hoàn thành xong 4 tuyến đường bê tông có tổng chiều dài 6km, các tuyến đường hoàn toàn là do nhân dân bỏ công sức làm và nhà nước hỗ trợ về vật liệu.

Đi đôi với việc thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, xã cũng đã thực hiện đồng thời việc gìn giữ bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, hiệu quả và rõ nét nhất là tại thôn Nặm Đăm”. Ông Tiến bày tỏ.

Trong những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành của tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Quản Bạ đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Toàn huyện đã có 03 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn đã có những bước khởi sắc.

Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã có nhiều tác động tích cực, đời sống của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 6 triệu đồng năm 2010 lên 21 triệu đồng năm 2018, ước năm 2019 đạt 22 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 61,17 năm 2015 xuống còn 33,52% năm 2019….

Để có được những thành quả đó, huyện cũng đã phải thường xuyên cập nhật, tổ chức quán triệt các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đến các ngành, các xã trên địa bàn; Xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm, chỉ đạo thực hiện các nội dung của Chương trình sát sao, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ huyện phụ trách tiêu chí, phụ trách các xã…

Đối với các xã trên địa bàn huyện, ngoài phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới còn phải hướng đến duy trì địa phương sạch, đẹp. Ông Bùi Văn Học, Phó văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Quản Bạ cho hay: “bằng hình thức tuyên truyền sâu rộng, hiện nay cứ vào chiều thứ 5 hàng tuần công chức, viên chức, giáo viên các xã trên địa bàn huyện đều bố trí thời gian ít nhất là một buổi chiều để dọn dẹp đường xá, địa bàn công tác. Nhờ có tinh thần tự giác ấy mà bộ mặt các xã đều trở nên khang trang, sạch đẹp”.

*Theo Đức Họ - Tổng Hợp

Chia sẻ & Bình luận

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email